Buổi sinh hoạt khoa học có sự tham gia của BSCKII. Tăng Đức Cương - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô, Giám đốc Đông Đô IVF Center - Bệnh viện Đông Đô, ThS. BS Ngô Thị Diễm - Trưởng khoa Phụ sản bệnh viện Đông Đô, cùng các chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng của bệnh viện Đông Đô.
Tại buổi trao đổi chuyên môn với bệnh viện Đông Đô, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng (Chuyên viên GENTIS) đã có bài báo cáo khoa học với chủ đề “Công nghệ Genratest: Xác định cửa sổ làm tổ tối ưu cho chuyển phôi”. Bài báo cáo thu hút sự quan tâm lớn của các chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng tham dự.
Genratest là xét nghiệm phân tích biểu hiện gene nội mạc tử cung, nhằm xác định chính xác “cửa sổ làm tổ” (WOI) của từng phụ nữ. Đây là thời điểm vàng mà nội mạc tử cung sẵn sàng tiếp nhận phôi làm tổ. Được thực hiện thông qua sinh thiết nội mạc tử cung và giải trình tự gen bằng công nghệ NGS (giải trình tự gen thế hệ mới), Genratest phân tích hơn 200 gene liên quan đến quá trình tiếp nhận phôi, từ đó giúp bác sĩ xác định chính xác khi nào nên chuyển phôi để đạt tỷ lệ thành công cao nhất.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng (Chuyên viên GENTIS) mang đến những thông tin hữu ích về xét nghiệm Genratest mà GENTIS đang phát triển đến với buổi sinh hoạt khoa học.
Hiện nay, trong nhóm bệnh nhân có tiền sử thất bại chuyển phôi nhiều lần, có tới 30–35% được xác định có WOI lệch so với tiêu chuẩn thông thường. Điều này đồng nghĩa với việc nếu vẫn tiếp tục chuyển phôi theo lịch thông thường, khả năng thất bại là rất cao – dù chất lượng phôi và tử cung đều tốt. Genratest ra đời như một bước đột phá trong điều trị IVF cá thể hóa, hỗ trợ cho bác sĩ có những quyết định đúng đắn và kịp thời trong chuyển phôi, từ đó tăng khả năng làm tổ và giảm thiểu những chu kỳ thất bại không rõ nguyên nhân.
Khi nhận được những câu hỏi chuyên môn xoay quanh xét nghiệm Genratest của GENTIS từ các chuyên gia và bác sĩ của bệnh viện Đông Đô, bà Dương Thị Phượng (Trưởng nhóm R&D GENTIS) đã chia sẻ cụ thể về quy trình lấy mẫu, phân tích và trả kết quả Genratest. Mẫu sinh thiết nội mạc được thu thập trong chu kỳ, sau đó được xử lý tại phòng lab của GENTIS đạt chuẩn quốc tế ISO 15189. Kết quả sẽ có sau 10–12 ngày làm việc, giúp bác sĩ có cơ sở khoa học để điều chỉnh chính xác thời điểm chuyển phôi trong chu kỳ tiếp theo.
Ngoài lý thuyết, buổi làm việc cũng trình bày các dữ liệu lâm sàng đáng chú ý từ các nghiên cứu tại Việt Nam và quốc tế. Khi áp dụng chuyển phôi cá thể hóa dựa trên kết quả Genratest, tỷ lệ mang thai lâm sàng đã được cải thiện rõ rệt ở nhiều trường hợp. Genratest được đánh giá là một công cụ hữu ích cho nhóm bệnh nhân đang gặp khó khăn trong hành trình làm cha mẹ.
BSCKII. Tăng Đức Cương chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao tính ứng dụng của Genratest trong điều trị IVF hiện đại. Với đội ngũ bác sĩ giỏi, kết hợp công nghệ mới, chúng tôi tin rằng việc cá thể hóa điều trị – đặc biệt là chuyển phôi – sẽ là chìa khóa giúp nâng cao tỷ lệ thành công và giảm gánh nặng cho người bệnh.”
BSCKII. Tăng Đức Cương - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô, Giám đốc Đông Đô IVF Center - Bệnh viện Đông Đô cùng những trao đổi tích cực về xét nghiệm Genratest của GENTIS.
Buổi làm việc cũng mở ra định hướng hợp tác giữa GENTIS và Bệnh viện Đông Đô trong thời gian tới, đặc biệt trong việc triển khai xét nghiệm Genratest trong quy trình điều trị thường quy và nghiên cứu lâm sàng. Đây là bước tiến đáng chú ý trong việc nâng cao chất lượng điều trị vô sinh – hiếm muộn tại Việt Nam, đưa công nghệ sinh học phân tử vào phục vụ cộng đồng một cách thiết thực và hiệu quả.